Mô tả ngắn
Tinh thần Ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ còn mãi; Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời và Nhạc trưởng Olivier Ochanine sẽ tiếp tục mang tới một món quà đặc biệt vào ngày 22/3 tại Nhà hát Hồ Gươm: các tác phẩm lần đầu SSO công diễn tại Việt Nam của một số nhà soạn nhạc nữ trên thế giới.
GRACE WILLIAMS
Fantasia on welsh nursery tunes
CLARA SCHUMANN
Piano concerto in A minor, op. 7
Soloist: Anna Polonsky
AMY BEACH
Gaelic symphony in E minor, op. 32
Hòa nhạc “Let Her Shine”
Giá vé: 500.000đ | 800.000đ | 1.000.000đ | 2.000.000đ
Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
Những người bạn của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời thân mến!
Tinh thần Ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ còn mãi; Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời và Nhạc trưởng Olivier Ochanine sẽ tiếp tục mang tới một món quà đặc biệt vào ngày 22/3 tại Nhà hát Hồ Gươm: các tác phẩm lần đầu SSO công diễn tại Việt Nam của một số nhà soạn nhạc nữ trên thế giới.
GRACE WILLIAMS – FANTASIA ON WELSH NURSERY TUNES
Khúc mở đầu overture dựa trên tám bài hát thiếu nhi xứ Wales cùng bản giao hưởng trong Phần 2 của chương trình hòa nhạc được sáng tác dựa trên cảm hứng từ các bài hát dân gian Ireland và Scotland, sẽ hòa quyện cùng một bản concerto tuyệt vời dành cho piano của Clara Schumann ở giữa chương trình – một tài năng đôi khi bị lu mờ bởi những sáng tác của chồng mình.
Trong số ba nhà soạn nhạc được giới thiệu trong chương trình hôm nay, Grace Williams có lẽ là ít được biết đến nhất – mặc dù bà chắc chắn là nhà soạn nhạc nữ nổi bật nhất tại xứ Wales. Trong một bức thư vào năm 1931, nhà soạn nhạc Ralph Vaughan Williams viết cho Grace Williams (hai người vốn không có mối quan hệ họ hàng hay thân thiết): “Grace thân mến, tôi tin rằng tài năng của bà sẽ viết nên những bản nhạc đáng yêu…”. Mặc dù phần lớn các tác phẩm của bà chưa được thu âm, bà đã tự khẳng định tài năng và sự độc đáo của mình thông qua những tác phẩm viết cho dàn nhạc. Tờ Times đã ca ngợi Williams: bà luôn thể hiện rõ nét quan điểm, tiếng nói và suy nghĩ của mình trong âm nhạc. Mặc dù không thường xuyên đưa những nét dân gian vào trong tác phẩm (như Amy Beach với bản Giao hưởng Gaelic), những tác phẩm sau này của Williams mang nhiều chủ nghĩa dân tộc hơn. Williams đã viết Fantasia dựa trên các khúc hát ru xứ Wales (1940), khéo léo kết nối tám giai điệu thân thuộc thủa thơ ấu thành một tác phẩm liền mạch tươi vui và giàu màu sắc. Việc đưa hai bài hát ru vào tác phẩm tạo nên bầu không khí huyền ảo mơ màng, mở đầu với phần độc tấu của bộ hơi và khép lại với chuỗi giai điệu du dương của bộ dây. Sắc màu rực rỡ của bản nhạc gợi liên tưởng tới một tác phẩm âm nhạc điện ảnh hoành tráng.
CLARA SCHUMANN – PIANO CONCERTO IN A MINOR
Clara Wieck Schumann từng chia sẻ: “Tôi từng tin rằng mình có tài, có khả năng sáng tạo, nhưng rồi tôi đã từ bỏ. Phụ nữ không nên có khát khao sáng tác – chưa từng có ai có thể làm được việc đó. Liệu tôi có nên hy vọng không?”.
Suy nghĩ này tóm tắt những định kiến về các nhà soạn nhạc nữ giai đoạn trước thế kỷ 21; mặc dù cho đến ngày nay phụ nữ đôi lúc ở một vài nơi phần nào vẫn phải chịu thiệt thòi, công lao và sự đóng góp của các nhà soạn nhạc nữ ngày càng được các dàn nhạc, các nghệ sỹ biểu diễn và công chung ghi nhận. Đối với Clara Schumann, việc sáng tác dưới cái bóng quá lớn của chồng mình – Robert Schumann – đòi hỏi việc cân bằng liên tục, khi bà thường được biết với tư cách một nghệ sỹ piano hơn, trong khi chồng mình là một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Clara cũng đã cống hiến hết mình cho âm nhạc của chồng với việc thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của ông. Mặc dù trong cuộc đời mình, tài năng của Clara không bị phủ nhận, nhưng phần nhiều hình ảnh của bà gắn với cây đàn piano. Bà cũng phải dành nhiều thời gian để chăm sóc tám người con với Robert ngay từ khi kết hôn, sau một thời gian chồng và cha mình có nhiều xung đột (chênh lệch tuổi tác của hai vợ chồng khá lớn, họ gặp nhau lần đầu khi Clara chỉ mới chín tuổi).
Bản Concerto cho piano giọng La thứ (tình cờ Robert viết một bản piano concerto cũng ở giọng này) cho thấy rõ nét chất nghệ sỹ piano của nhà soạn nhạc. Bản concerto mang những yếu tố piano và nét trữ tình tương đồng với các tác phẩm của Chopin. Trong phần lớn cuộc đời mình, đặc biệt là khi kết hôn và nuôi con, Clara bị hạn chế chơi piano. Điều này có lẽ khiến bà khá thất vọng, khi bà được cha mình nuôi dạy để trở thành một nghệ sỹ piano, thậm chí còn cạnh tranh với anh trai, người cũng phải dày công luyện tập thành tài. Bản piano concerto được viết trước cuộc hôn nhân với Robert, vào thời điểm mà Clara có thể tự do sáng tác theo ý thích của mình; Robert đã dành thời gian hỗ trợ bà sáng tác, thậm chí còn phối khí cho chương cuối – vốn ban đầu được coi là một tác phẩm độc lập. Chương thứ hai khá độc đáo, là phần độc tấu của cello và piano, và đôi khi người ta còn nghĩ rằng đây là một chương trích từ một bản cello sonata. Sau này, Johannes Brahms đã viết cho Clara về bản piano concerto (số 2) ông mới sáng tác khi ấy, lấy cảm hứng từ tác phẩm của Clara, khi ông cũng đưa vào bản concerto phần độc tấu giữa cello và piano.
AMY BEACH – GAELIC SYMPHONY
Nhà soạn nhạc người Mỹ Amy Beach, một trong những nhà soạn nhạc nữ có danh tiếng không kém Clara Schumann, được biết đến chủ yếu với bản Giao hưởng Gaelic và bản piano concerto. Và chương trình hôm nay sẽ tập trung vào bản giao hưởng của Beach, với phong cách sáng tác đặc trưng riêng với những dấu ấn dân gian thông qua các bài dân ca Ireland và Scotland. Beach là người phụ nữ Mỹ đầu tiên thành công với tư cách là nhà soạn nhạc của một tác phẩm lớn dành cho dàn nhạc. Beach nhận thức rõ những thách thức khi trở thành một nhà soạn nhạc nữ trong thời đại của mình và đã theo học piano, từng cùng Dàn nhạc Giao hưởng Boston biểu diễn bản piano concerto số 2 của Chopin ở tuổi thiếu niên.
Quý khán giả có thể nhớ lại bản giao hưởng “Từ Thế giới Mới” – Dvořák do Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời biểu diễn vào tháng Một vừa qua. Được sáng tác không lâu trước bản giao hưởng Gaelic, “Từ Thế giới Mới” là động lực để Beach viết một tác phẩm lấy cảm hứng từ chính cội nguồn của mình. Khác với Dvořák sử dụng các bài hát của người Mỹ gốc Phi và người Mỹ bản địa – đặc trưng chủ nghĩa dân tộc trong âm nhạc Mỹ, Beach mang vào trong Gaelic bốn giai điệu truyền thống của Ireland và một số bài hát do chính mình sáng tác trước đó.
Chương đầu tiên dựa trên bài hát “Dark is the Night” của Beach, mô tả một chuyến đi biển đầy sóng gió (với những âm thanh âm ầm được mô phỏng bởi bộ dây được lặp lại nhiều lần). Bên cạnh đó là điệu nhảy vui nhộn của Ireland, với nét sống động tương phản độc đáo với bóng tối chủ đạo của chương nhạc.
Chương thứ hai dường như lấy cảm hứng từ Dvořák qua chất trữ tình sâu rộng (một bài dân ca du dương khác) với một khúc scherzo. Oboe đóng một vai trò quan trọng trong lời hát (tương tự với kèn English Horn trong tác phẩm của Dvořák).
📞 Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
📱 Thông tin sơ đồ chỗ ngồi: https://forms.gle/dFxpLCKZgRV3o7yV8