Mô tả ngắn
Chương trình Hòa nhạc SSO tháng 6 sẽ các bạn hòa mình vào trào lưu Tân cổ điển trong âm nhạc (Neoclassicism) qua một số tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ 20 - Igor Stravinsky.
STRAVINSKY
Octet (Lần đầu công diễn tại Việt Nam)
STRAVINSKY
Apollon Musagète (Lần đầu công diễn tại Việt Nam)
STRAVINSKY
Pulcinella Suite
Hòa nhạc “Stravinsky: a midlife blend of old and new”
Thời gian: 20h00, thứ năm ngày 13/6/2024
Địa điểm: Nhà hát Hồ Gươm, số 40-40A Hàng Bài, Hà Nội
Giá vé: 300.000đ | 500.000đ | 800.000đ | 1.000.000đ
📞 Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
📱 Thông tin sơ đồ chỗ ngồi: https://forms.gle/brFjKr7gcapKYSvc7
Những người bạn của SSO thân mến!
Chương trình Hòa nhạc SSO tháng 6 sẽ cùng các bạn hòa mình vào trào lưu Tân cổ điển trong âm nhạc (Neoclassicism) qua một số tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại của thế kỷ 20 – Igor Stravinsky. Đây là những tác phẩm thuộc giai đoạn giữa sự nghiệp của nhà soạn nhạc – giai đoạn sáng tác kéo dài từ giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.
IGOR STRAVINSKY | OCTET
Nhà soạn nhạc người Nga Igor Stravinsky chắc hẳn là một trong những tên tuổi quan trọng nhất trong nền âm nhạc thế kỷ 20. Khán giả chủ yếu biết tới ông qua ba vở ballet quy mô lớn, giàu tính dân tộc: Chim Lửa, Petrushka và Lễ Bái Xuân. Từ sau Thế chiến thứ Nhất, Stravinsky bước vào một chương mới về phong cách sáng tác mang những nét khác biệt rõ rệt so với những bản nhạc đậm chất thời kỳ Lãng mạn trong giai đoạn trước chiến tranh. Octet là một trong những tác phẩm đầu tiên Stravinsky giới thiệu tới công chúng được viết theo phong cách mới này, theo trào lưu Tân cổ điển, tập trung vào cấu trúc mạch lạc, rõ ràng và thủ pháp đối vị trong âm nhạc.
Stravinsky từng chia sẻ rằng: “Hình thức trong âm nhạc của tôi bắt nguồn từ thủ pháp đối vị. Tôi coi đó là phương tiện duy nhất giúp nhà soạn nhạc thuần túy tập trung vào âm nhạc. Các yếu tố của nó cũng phù hợp hoàn hảo với cấu trúc của tác phẩm.” Stravinsky không phải là một người hâm mộ của thuật ngữ Tân cổ điển, mặc dù vậy, ông tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của chủ nghĩa này. Ông đích thân chỉ huy buổi ra mắt Octet vì e ngại một nhạc trưởng khác sẽ chỉ huy theo cách “diễn giải” không cần thiết. Chủ nghĩa Tân cổ điển không phải do Stravinsky sáng tạo nên (Prokofiev, Grieg, Liszt và những nhà soạn nhạc khác trước đây đã viết theo “phong cách cũ”), tuy vậy, Stravinsky đã biến nó thành một chương âm nhạc trọn vẹn trong cuộc đời mình. Cuộc sống tuổi trung niên của ông gắn liền với công cuộc sáng tạo ra âm nhạc hướng về quá khứ nhưng đồng thời mang những nét đương đại, những nét riêng với nhịp điệu phức tạp và hòa âm đặc trưng của Stravinsky.
Một tượng đài âm nhạc khác của thế kỷ 20 – nhà soạn nhạc Aaron Copland nhận xét về Octet: “Cảm xúc của tôi nhìn chung là khá hoang mang sau lần nghe đầu tiên. Đây là Stravinsky… đột ngột, không một lời giải thích, mang đến cho công chúng một tác phẩm không hề giống với phong cách cá nhân của ông ấy từ trước tới nay.” Hoặc có lẽ đây mới là chính là phong cách của Stravinsky, thay vì phong cách đậm chất Nga như trước đó.
Dù xét ở khía cạnh nào, Octet khác biệt hoàn toàn với những sáng tác trước chiến tranh của Stravinsky (thậm chí cũng khác biệt với vở ballet Pulcinella theo chủ nghĩa Tân cổ điển mà ông viết trước đó chỉ ba năm). Tác phẩm là một sự kết hợp bất thường với flute, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 trumpet, 1 trombone và 1 bass trombone, thể hiện một bảng màu ít sắc độ hơn nhiều so với Lễ Bái Xuân. Thậm chí tác phẩm còn có thể bị nhầm với hài kịch với những đặc điểm lạ kỳ. Ý tưởng về tác phẩm này đến với Stravinsky từ một giấc mơ, ông đã bắt tay vào viết bản nhạc ngay khi tỉnh dậy. Được định hình theo một bản giao hưởng Cổ điển (ngoại trừ minuet), tác phẩm 3 chương này có chương đầu tiên với phần giới thiệu chậm rãi với hai chủ đề tương phản và phần phát triển dưới dạng sonata, chương hai là một chủ đề có nhiều biến thể và chương cuối là một rondo. Octet đánh dấu một chương mới trong cuộc đời sáng tác của Stravinsky, hoàn toàn trái ngược với âm nhạc của Wagner mà ông đã được tiếp xúc từ thời thơ ấu.
Stravinsky khẳng định nguyên tắc của ông là “sáng tác lại, không chỉ các tác phẩm của học trò mà còn của cả các bậc thầy. Khi các nhà soạn nhạc đưa tôi xem nhạc của họ để phê bình, tất cả những gì tôi có thể nói là tôi sẽ viết nó theo một cách hoàn toàn khác. Bất cứ điều gì tôi quan tâm, bất cứ điều gì tôi yêu thích, tôi đều mong muốn biến nó thành của riêng mình [nghe như tôi đang mô tả một dạng trộm cắp hiếm gặp.]”
STRAVINSKY | APOLLON MUSAGÈTE
Stravinsky viết vở ballet “Apollon Musagète” (hay thường được gọi là Apollo) khi phong cách sáng tác của ông hoàn toàn nở rộ theo trường phái Tân cổ điển. Trong khi tác phẩm cuối trong chương trình hôm nay (Pulcinella) được viết từ năm 1920 khi một chương mới trong phong cách sáng tác của Stravinsky bắt đầu mở ra, thì đến với Apollo vào năm 1928, chúng ta đã được chứng kiến một Stravinsky hoàn toàn khác.
Vở ballet gồm hai màn, được viết dành riêng cho bộ dây của dàn nhạc để biểu diễn cho lễ hội âm nhạc đương đại được tổ chức tại Thư viện Quốc hội ở Washington D.C. Bốn năm trước đó, vào năm 1924, Stravinsky lần đầu tiên đến thăm nước Mỹ. Kể từ đó, cuộc đời của Stravinsky ngày một gắn bó với mảnh đất này, ông đã định cư tại đây từ năm 1939 cho đến khi qua đời vào năm 1971.
Vở ballet được yêu cầu chỉ cần tối đa sáu vũ công biểu diễn cùng một dàn nhạc quy mô nhỏ, với thời lượng không quá một giờ. Còn chủ đề của vở ballet sẽ do Stravinsky tự quyết định. Vốn ấp ủ mong muốn sáng tác xoay quanh chủ đề thần thoại Hy Lạp, Stravinsky nhân dịp này đã chọn viết nhạc về Apollo – vị thần cai quản các nữ thần văn học, nghệ thuật và khoa học. Trong vở ballet của mình, Stravinsky chỉ nhắc tới ba trong tổng số chín nữ thần. Ba biến thể trong tác phẩm là những điệu nhảy của Apollo với ba nữ thần: Terpsichore (Nữ thần Khiêu vũ), Calliope (Nữ thần Thơ ca) và Polymnia (Nữ thần của Thánh ca và Kịch câm).
Apollo là vở đầu tiên trong số ba vở ballet tân cổ điển của Stravinsky. Tác phẩm là sự giao thoa độc đáo giữa cổ điển và hiện đại. Xuyên suốt chủ đề về thần thoại Hy Lạp là những đường nét âm nhạc mạch lạc với khúc mở màn đậm chất Pháp (với tiết tấu đảo phách), kết hợp thú vị cùng các yếu tố ba lê đơn sắc (so với các vở ba lê quy mô lớn của Stravinsky thời kỳ trước chiến tranh Thế giới I).
Vào thời điểm sáng tác tác phẩm Apollo, Stravinsky đang đứng giữa ngã ba đường trong cuộc sống cá nhân, khi ông vẫn muốn chung thuỷ với vợ nhưng lại đem lòng yêu một người phụ nữ khác. Stravinsky cố gắng khám phá lại bản thân qua việc suy ngẫm và tích cực đến nhà thờ khi viết vở Apollo – vị thần cũng đã tìm thấy chính mình khi cai quản các nữ thần.
Ban đầu, Stravinsky dự định viết cho một dàn nhạc lớn hơn nhiều so với sân khấu dành cho buổi ra mắt. Sau đó ông đã chấp nhận thu nhỏ lại quy mô, tuy vậy, ông không còn hứng thú tới tham dự buổi ra mắt tác phẩm nữa.
Điều thú vị là Stravinsky không cho phép người biểu diễn tự do biểu đạt âm nhạc của ông, thay vào đó, ông muốn tác phẩm được chơi theo chính xác những gì ông viết. Chúng ta có thể nhận thấy điều này từ các bản ghi âm vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay qua cách Stravinsky chỉ huy các tác phẩm của ông, bao gồm cả Apollo. Các buổi biểu diễn càng đơn thuần càng tốt, tuy nhiên, không phải thiếu mất đi tính âm nhạc hay cảm xúc, Stravinsky chỉ muốn tránh việc các nhạc công diễn giải quá mức âm nhạc của mình.
Apollo là một vở ballet đầy mê hoặc, làm thoả mãn tâm trí và đôi tai của khán giả. Tác phẩm hoàn toàn khác biệt với gia tài sáng tác trước đó của Stravinsky. Sự đơn giản là nét đẹp của tác phẩm này, như triết lý về sự tối giản “less is more”, tuy nhiên, tác phẩm vẫn phô diễn đầy đủ những đặc điểm nổi bật trong kỹ thuật sáng tác của Stravinsky.
Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đã có quãng thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để mang vẻ đẹp độc đáo của kiệt tác âm nhạc này đến với quý vị khán giả.
STRAVINSKY | PULCINELLA SUITE
Tác phẩm cuối trong chương trình hôm nay – Tổ khúc Pulcinella của Stravinsky – là tập hợp của các chương nhạc từ tác phẩm lớn cùng tên của ông. Bản nhạc ban đầu được viết cho dàn nhạc và ba ca sỹ vào năm 1920. Ý tưởng bắt nguồn từ huyền thoại Sergei Diaghilev với mong muốn có âm nhạc cho một vở ballet mới, với đề xuất của biên đạo Léonide Massine về chủ đề những câu chuyện Pulcinella trong kịch dân gian nước Ý.
Stravinsky tham gia dự án này nhưng thay vì viết cho dàn nhạc lớn, ông lại sáng tác cho một dàn nhạc nhỏ hơn, ông chia sẻ: “‘hiệu ứng’ âm nhạc thường đạt được nhờ sự kết hợp các sắc thái; sắc thái to chuyển sang nhỏ sẽ tạo ra ‘hiệu ứng’. Nhưng đó là điều thông thường. Tôi đã cố gắng đạt được sắc thái ngang bằng bằng cách sắp xếp âm sắc của các nhạc cụ cạnh nhau, vốn là nền tảng của chất liệu âm thanh. Một màu sắc chỉ thể hiện được giá trị khi được đặt cạnh các màu khác. Màu đỏ tự nó không có giá trị. Màu đỏ chỉ thể hiện được giá trị của mình khi được đặt cạnh một màu đỏ khác hoặc một màu khác, ví dụ như màu xanh lục. Và đó là điều tôi muốn làm trong âm nhạc, và trước hết là chất lượng âm thanh. Tôi cũng tìm kiếm đặc điểm trong sự mất cân bằng của các nhạc cụ, điều này trái ngược với âm nhạc thính phòng với nền tảng là sự cân bằng được thống nhất giữa các nhạc cụ.”
Các chủ đề, giai điệu của Pulcinella phần lớn được lấy từ trio sonata của Domenico Gallo (trước đây thường được cho là Pergolesi). Thực tế trong chương trình hòa nhạc tối nay, trước khi dàn nhạc chơi Pulcinella, chúng ta sẽ được nghe Gallo ở dạng thức nguyên bản. Từ đó, chúng ra có thể thấy những điểm tương đồng mà Stravinsky rút ra từ thời kỳ Baroque, cũng như sự tương phản giữa phiên bản gốc và phiên bản của Stravinsky trong Pulcinella. Cũng giống như biên đạo Massine biểu diễn với chiếc mặt nạ cách điệu mô phỏng trang phục của những nghệ sĩ biểu diễn kịch dân gian Ý, Stravinsky đã đeo một chiếc mặt nạ âm nhạc trong khi sáng tác. Âm nhạc hầu như không mới, nhưng ta vẫn luôn nhận ra rằng đây là Stravinsky, chứ không phải là Gallo nữa. Chương cuối của Pulcinella là chương nhạc mang phong cách Nga nhất, và mặc dù được lấy từ trio sonata của Gallo, hòa âm lại đậm chất Stravinsky và như được trích từ một vở ballet trước đó của ông. Pulcinella thực sự là một tác phẩm chuyển tiếp, đưa chúng ta từ một Stravinsky thời kỳ trước chiến tranh cho đến một trong những chương quan trọng nhất của âm nhạc Thế kỷ 20 – thời kỳ tân cổ điển khi mà cái cũ và cái mới được giao thoa một cách quyến rũ.