Hòa nhạc “ĐẶNG THÁI SƠN RETURNS”

Mô tả ngắn

NSND Đặng Thái Sơn sẽ hợp tác cùng Nhạc trưởng Olivier Ochanine và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời vào dịp đặc biệt trong tháng 12 tới!

SCRIABIN
Rêverie for Orchestra

CHOPIN
Piano Concerto No. 2
Pianist Đặng Thái Sơn

HINDEMITH
Mathis Der Maler

NIELSEN
Aladdin Suite

SCRIABIN | Rêverie for Orchestra
Hòa nhạc mở đầu với một viên ngọc tuyệt đẹp của Alexander Scriabin – nhà soạn nhạc người Nga đã sáng tác rất nhiều bản nhạc cho piano và đồng thời cũng là một nghệ sỹ piano. Bản nhạc ngắn ra đời vào năm 1898 với tên gọi ban đầu là “Prelude” (Khúc dạo đầu), với phần phối khí đặc sắc và hòa âm “đầy kích thích” như Rimsky-Korsakov mô tả – nét đặc trưng trong nhiều tác phẩm dành cho dàn nhạc của Scriabin. Khúc nhạc ngắn được viết tặng nhà bảo trợ và nhà xuất bản M.P. Belyaev. M.P. Belyaev đã rất ấn tượng với tác phẩm và đặt tên bản nhạc là “Rêverie” (tạm dịch: Mộng mơ). Trong buổi biểu diễn ra mắt tác phẩm, khán giả đã say mê Rêverie đến mức dàn nhạc đã biểu diễn lại bản nhạc thêm lần nữa.

CHOPIN | Piano Concerto No. 2 (Pianist Đặng Thái Sơn)
Mặc dù qua đời khá sớm ở tuổi 39, Frédéric Chopin đã để lại một di sản âm nhạc khổng lồ – tất cả đều được sáng tác dành cho piano, bao gồm nhiều tác phẩm viết cho piano và dàn nhạc, trong đó là hai bản concerto dành cho piano huyền thoại của ông. Trong hòa nhạc đêm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời vinh dự biểu diễn Concerto cho piano số 2 giọng Fa thứ của Chopin, với tiếng đàn của một huyền thoại của Việt Nam – NSND Đặng Thái Sơn.

Chopin đã viết cả hai bản concerto lúc 29 tuổi với mục đích sử dụng cá nhân. Hai bản concerto rất gần gũi, thể hiện trọn vẹn tính cách của Chopin. Bản concerto số hai được viết trước, nhưng được xuất bản sau. Hai bản concerto này khác với những bản concerto của Beethoven hoặc Brahms ở chỗ đây gần như là những tác phẩm độc tấu piano mang sắc màu dàn nhạc. Dàn nhạc chỉ đệm phục vụ cho nghệ sỹ độc tấu, thay vì là một cuộc đối thoại với người nghệ sỹ. Nhà viết tiểu sử Frederick Niecks – một trong những người ngưỡng mộ Chopin – đã chia sẻ: “Chopin không hướng suy nghĩ về dàn nhạc; suy nghĩ của Chopin luôn mang hình thức ngôn ngữ của piano.” Tuy nhiên, Chopin đã bù đắp lại những gì mình thiếu bằng cá tính và sự độc đáo nổi bật, khiến Robert Schumann phải thốt lên: “…một thiên tài như Mozart nếu sinh ra vào thời đại này, sẽ viết nên những bản hòa tấu như Chopin chứ không phải như Mozart”.

Chúng ta cảm nhận được rằng Chopin đã sáng tác từ sâu thẳm tâm hồn mình. Đặc biệt chương giữa của hai bản concerto chứa đựng những giai điệu và cấu trúc âm thanh cảm động nhất. Chopin là một người đàn ông yếu đuối, cả về thể chất cũng như tâm hồn. Chúng ta sẽ cảm nhận được rõ nét sự yếu đuối của con người nhà soạn nhạc trong hai bản concerto.

Các học giả đã ví giai điệu trong Concerto giọng Fa thứ của Chopin với chất trữ tình trong các khúc aria của nhà soạn nhạc opera Vincenzo Bellini. Cả hai nhà soạn nhạc đều ngưỡng mộ lẫn nhau, và cả hai đều ưu tiên giai điệu hơn hòa âm, sử dụng phần đệm một cách nhẹ nhàng. Điều này được thể hiện rõ nét trong Concerto của Chopin, ngoại trừ các đoạn mở đầu, dàn nhạc chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ để piano được tự do tỏa sáng.

Tác phẩm mở đầu với một chủ đề tràn đầy năng lượng hứng khởi với tiết tấu đảo phách, và dần nhường chỗ cho nghệ sỹ piano.

Người ta cho rằng, Chopin viết chương II với tâm trí vấn vương hình ảnh của “nàng thơ” – cô nữ sinh giọng soprano người Ba Lan Konstancja Gładkowska. “Aria” của piano chắc hẳn là một trong những giai điệu piano say đắm nhất. Phần giữa của larghetto rất nên thơ với khúc recitative của piano như lời thủ thỉ tâm tình, được đệm bằng tremolo của bộ dây và tiếng tim đập thình thịch của đàn contrabass.

Chương cuối gồm các điệu waltz và mazurka – một điệu nhảy quen thuộc của quê hương Ba Lan của Chopin. Đây là một chương nhạc rất vui tươi và cũng khá tự do, thậm chí tiếng kèn Cor đột nhiên gián đoạn trước khi dẫn đến điệu nhảy cuối cùng khép lại tác phẩm.

Bản Concerto được Chopin ra mắt trong một buổi hòa nhạc riêng tư, và được biểu diễn lại sau đó vài tuần, tuy nhiên, Chopin vốn là người nhạy cảm, đã vô cùng thất vọng và giận dữ trước phản ứng của khán giả. Nếu Chopin còn sống đến ngày nay, ông chắc chắn sẽ hài lòng với các khán giả của mình.

HINDEMITH | Mathis Der Maler
Năm 1937, nhà soạn nhạc người Đức Paul Hindemith, cũng giống như nhiều nghệ sỹ khác thời bấy giờ, thù hận chế độ Đức Quốc xã. Vài năm trước đó, nhà xuất bản đề nghị ông sáng tác một tác phẩm âm nhạc dựa trên câu chuyện hư cấu về Mathias Grünewald – một họa sỹ sống trong thời Chiến tranh nông dân vào thế kỷ 16 ở Đức. Trong cuộc chiến này, những người nông dân bị áp bức đã nổi dậy chống lại quý tộc phong kiến trước khi bị quân đội đánh bại. Khi Thế chiến II bắt đầu hình thành, Hindemith đã chọn tiếp cận chủ đề này và đưa mình vào tầm ngắm của Đức Quốc xã. “Mathis der Maler” truyền tải thông điệp rõ ràng – tuy bằng cách gián tiếp – về sự khinh miệt đối với chế độ. Do vậy, Đức Quốc xã bắt đầu cấm biểu diễn nhạc của ông.

Trong “Mathis der Maler”, Hindemith lấy cảm hứng từ tác phẩm đa liên họa Isenheim Altarpiece nổi tiếng của họa sĩ Matthias Grünewald. Mỗi chương nhạc đều dựa trên những bức tranh kỳ lạ của Grünewald. Chương mở đầu “Engelkonzert” (Hòa nhạc của các Thiên thần) là cảnh Đức mẹ Mary và Chúa Jesus đang được các thiên thần hát tặng. Những tiếng kèn trombone là phiên bản Hindemith của ca khúc Đức thời Trung cổ “Es Sungen drei Engel” (Ba Thiên thần đang hát). Chương thứ hai, “Grablegung” (Chôn cất) mô tả Chúa Jesus bị đóng đinh được đặt trong ngôi mộ. Và chương cuối cùng, dựa trên hai bức tranh Isenheim, có cảnh Thánh Anthony bị những con quỷ kỳ dị tấn công (ở đây người ta có thể liên tưởng Thánh Anthony đại diện cho Grünewald đang phải đối mặt với những lựa chọn trong cuộc sống). Một bức tranh khác cũng được phác họa trong chương này là cảnh Thánh Anthony gặp Thánh Paul Ẩn Sĩ. Bản giao hưởng kết thúc đột ngột với giai điệu của thánh ca thế kỷ 13 “Lauda Sion Salvatorem”, tiếp nối bằng những câu hallelujah hùng tráng của bộ đồng.

Bản giao hưởng “Mathis der Maler” của Hindemith được lấy từ vở opera cùng tên và đã trở thành một trong những tác phẩm của ông được biểu diễn nhiều nhất. Trên lời tựa của tổng phổ, Hindemith viết: “Tôi hy vọng người nghe ban đầu sẽ không quá khó chịu với những yếu tố mới lạ của tác phẩm này. Trong suốt lịch sử âm nhạc, chúng ta có thể nhận thấy rằng mọi người luôn đánh giá cao những sắc thái âm thanh, giai điệu, sự kết nối và cấu trúc hình thức mới miễn là những yếu tố đó song hành với sức mạnh và logic của âm nhạc.” Bản giao hưởng “Mathis der Maler” đại diện cho những sắc thái âm thanh mới mẻ, hòa âm hấp dẫn và cách sử dụng mới lạ các nhạc cụ trong dàn nhạc để kể chuyện (ví dụ như kèn trombone trong vai những thiên thần).

NIELSEN | Aladdin Suite
Nhà soạn nhạc người Đan Mạch Carl Nielsen, cũng là một nghệ sĩ violin và kèn đồng, đã sáng tác sáu bản giao hưởng độc đáo, nhiều bản hòa tấu, vô số tác phẩm nhạc thính phòng và tác phẩm dành cho piano, cũng như nhạc nền và hai vở opera.

Từ năm 1917 đến năm 1919, Nielsen đảm nhận việc sáng tác phần âm nhạc cho vở kịch “Aladdin” (năm 1805) của tác giả người Đan Mạch Adam Oehlenschläger. Câu chuyện này giống như bộ phim hoạt hình nổi tiếng năm 1992 của Disney, đều liên quan đến truyện dân gian Ả Rập “Nghìn Lẻ Một Đêm”.

Buổi biểu diễn âm nhạc đầu tiên diễn ra không suôn sẻ, khi dàn nhạc buộc phải chen chúc dưới chân cầu thang trong phim trường bởi hố nhạc được sử dụng cho các mục đích khác. Khi Johannes Poulsen – Đạo diễn dàn dựng cắt bỏ một số đoạn nhạc, Nielsen đã yêu cầu xóa tên ông khỏi buổi biểu diễn tối hôm đó. Tác phẩm sân khấu đã không thành công và đã bị hủy chỉ sau 15 buổi biểu diễn.

Trong những năm cuối đời, Nielsen thường chỉ huy một số đoạn trích từ tác phẩm. Một ngày trước khi qua đời vì cơn đau tim, ông đã có cơ hội nghe ba bản nhạc trích từ “Aladdin” qua máy thu thanh tinh thể (một loại radio sơ khai).

Vào năm 1940, chín năm sau khi ông qua đời, bảy chương đã được xuất bản với tên gọi “Tổ khúc Aladdin” và thường xuyên được biểu diễn, nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả.

Chương đặc biệt quan trọng trong tác phẩm mang tên “The Marketplace of Isphahan”, khéo léo chia dàn nhạc thành nhiều dàn nhạc nhỏ hơn đại diện cho nhiều cảnh khác nhau trong phiên chợ Isphahan. Từng phần một được nhạc trưởng đưa vào, sau đó dường như được tự do theo các nhịp điệu riêng và rồi dần tan biến, mang đến cho người nghe cảm giác đặc biệt như đang đắm chìm trong khung cảnh phiên chợ. Đây là một thủ pháp âm nhạc được Nielsen sử dụng tài tình.

Đến buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Chuẩn bị cho buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm
Tại buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Cách thức mua vé



Chức năng này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cám ơn quý vị.