Mô tả ngắn
SSO sẽ mang tới một đêm nhạc dí dỏm, hài hước với một số tác phẩm các các thiên tài âm nhạc thế giới: từ những tác phẩm âm nhạc châm biếm của Mozart đến những bất ngờ của Haydn và sẽ còn những bất ngờ thú vị khác nữa.
Mozart
A Musical Joke, K.522
Angerer
Toy Symphony
Beethoven
12 Contredanses, WoO 14
Haydn
Symphony No. 60 in C Major, Hob.I:60 “II Distratto”
Hòa nhạc “Những mảnh ghép tinh nghịch”
Thời gian: 20h00, thứ sáu ngày 18/7/2025
Địa điểm: Nhà hát Hồ Gươm, số 40-40A Hàng Bài, Hà Nội
Giá vé: 300.000đ | 500.000đ | 1.000.000đ
Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí)
Form đăng ký mua vé: https://forms.gle/NeLM7mKfhgthdbfP9
Nhạc mục:
Mozart | A Musical Joke, K.522
Angerer | Toy Symphony
Beethoven | 12 Contredanses, WoO 14
Haydn | Symphony No. 60 in C Major, Hob.I:60 “II Distratto”
Hòa nhạc tối nay cho chúng ta thấy: những nhà soạn nhạc vĩ đại không chỉ là những thiên tài nghiêm nghị, mà cũng là những con người tinh nghịch, châm biếm và giàu óc hài hước.
Từ tiếng kèn đồ chơi đến những khoảnh khắc hỗn loạn trong âm nhạc, những tác phẩm này chứng minh rằng nhạc cổ điển cũng có thể khiến ta bật cười – ngay cả sau nhiều thế kỷ khi tác phẩm ra đời.
Wolfgang Amadeus Mozart (1756–1791)
A Musical Joke (Ein musikalischer Spaß), K. 522 (1787)
Tác phẩm A Musical Joke (tạm dịch: Một Trò Vui Âm Nhạc) của Mozart đúng như tên gọi: một thiên tài âm nhạc đang hóm hỉnh trêu chọc sự vụng về trong âm nhạc. Được viết vào năm 1787, bản nhạc là một sự châm biếm đầy thích thú đối với kỹ thuật đối âm vụng về, tiếng kèn lạc tông, nối tiếp bè nghèo nàn hay đoạn kết thiếu thuyết phục. Có người cho rằng đây là lời trêu chọc giới nhạc sĩ nghiệp dư hoặc các nhạc công làng xã; cũng có người tin rằng Mozart đang mỉa mai những đối thủ tự đề cao mình thái quá. Dù theo cách hiểu nào, tác phẩm vẫn là một bản nhạc thú vị kết hợp giữa những “lỗi sai” có chủ đích và những nét duyên dáng rất riêng.
Hãy lắng nghe:
• Những đoạn viết cho kèn cor lệch tông (không phải quý vị nghe nhầm đâu!)
• Đoạn kết lạc điệu đến mức bật cười
• Những nhịp điệu lúng túng và những khoảng lặng ngỡ ngàng – có phần vụng về hơn là tinh tế
Tài năng thiên phú của Mozart ở đây chính là khả năng “viết dở một cách xuất sắc” – sự hài hước thâm thúy trong âm nhạc vẫn khiến những khán giả thời nay phải bật cười thích thú.
Edmund Angerer (1740–1794)
Toy Symphony (Berchtoldsgaden Music)
Từng được cho là sáng tác của Haydn hay Leopold Mozart, Toy Symphony (tạm dịch: Bản Giao hưởng Đồ chơi) nay đã được các nhà nghiên cứu âm nhạc xác nhận là tác phẩm của tu sĩ Benedictine người Áo – Edmund Angerer. Đúng như tên gọi, tác phẩm gồm ba chương ngắn gọn, rộn ràng với tiếng huýt sáo, tiếng chim hót, tiếng lách cách, tiếng trống và cả tiếng kèn trumpet đồ chơi.
Vốn được sáng tác để biểu diễn trong các cuộc vui tại triều đình hoặc trong dịp lễ Giáng sinh, Toy Symphony là một thế giới tươi vui của âm nhạc thế kỷ 18 – ngộ nghĩnh, hồn nhiên, và có phần hỗn loạn – như thể chúng ta để các em bé nghịch ngợm, tha hồ tung hoành với các nhạc cụ gõ.
Hãy lắng nghe:
• Những đoạn chen ngang thú vị từ các “nhạc cụ đồ chơi”
• Sự tương phản giữa các nhạc công bộ dây nghiêm túc và các âm thanh nghịch ngợm vang lên
• Cách mà một tác phẩm tưởng như trẻ con lại được sáng tác rất khéo léo, giàu kỹ thuật
Chúng ta hiếm khi được nghe bản nhạc này biểu diễn trực tiếp – đặc biệt qua phần trình diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, nơi âm thanh tinh tế gặp gỡ tinh thần vui tươi trong một cuộc nô đùa với âm nhạc.
Ludwig van Beethoven (1770–1827)
12 Contredanses, WoO 14 (khoảng năm 1791)
Trước khi trở thành nhà cách mạng âm nhạc lừng lẫy với Eroica hay Giao hưởng số 9, Beethoven cũng cần phải kiếm sống – và âm nhạc khiêu vũ chính là nguồn thu nhập của ông. Bộ 12 bản Contredanse ngắn này được viết dành cho những vũ hội quý tộc tại Vienna, nơi Beethoven lén lồng vào những sự tinh nghịch.
Mỗi bản chỉ kéo dài khoảng một phút, nhưng khi nối lại, 12 bản vẽ nên bức tranh sống động của một buổi dạ vũ quý tộc: dí dỏm, duyên dáng và đôi lúc hơi lệch nhịp. Đặc biệt có một chi tiết thú vị: giai điệu của bản số 7 sau này được Beethoven phát triển thành chủ đề cho chương cuối của Giao hưởng Eroica.
Hãy lắng nghe:
• Những nhấn nhá bất ngờ và biến chuyển cường độ đột ngột
• Nhịp điệu vui nhộn dễ khiến các vũ công lơ đễnh trượt nhịp
• Những câu nhạc như lời trêu chọc tinh nghịch của Beethoven
Tuy ngắn, những bản nhạc này vẫn mang đậm dấu ấn của Beethoven: thông minh, táo bạo và luôn nằm ngoài khuôn mẫu. Bản nhạc mang lại niềm vui cho bất kỳ dàn nhạc nào khi thể hiện — và cũng là dịp phô diễn nét tinh tế trong tiết tấu của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời.
Joseph Haydn (1732–1809)
Giao hưởng số 60 giọng Đô trưởng, Il Distratto (“The Distracted”) (1774)
Nếu âm nhạc giao hưởng là một vở kịch tình huống, thì Haydn chính là bậc thầy biên kịch. Giao hưởng số 60, mang tên Il Distratto (tạm dịch: Người đãng trí), bắt nguồn từ nhạc nền của một vở hài kịch về một nhân vật… quên trước quên sau.
Bản giao hưởng gồm sáu chương là một chuyến tàu lượn siêu tốc vui nhộn của những trò đùa âm nhạc: dừng đột ngột, khởi đầu nhầm, tâm trạng lộn xộn, và đặc biệt là khoảnh khắc khi các nghệ sĩ vĩ cầm phải lên dây đàn lại ngay trên sân khấu – một màn hài kịch thuần túy. Haydn tinh nghịch nhại lại những mô-típ âm nhạc quen thuộc, tự trêu chọc chính những chủ đề của mình, dẫn dắt khán giả vào những lối đi phi lý, chỉ để rồi bất ngờ lật ngược tất cả.
Hãy lắng nghe:
• Trò đùa “lên dây đàn” trong chương cuối
• Sự đối lập đầy kịch tính giữa vẻ trang trọng và sự hỗn loạn
• Việc Haydn canh đúng thời điểm để khán giả bật cười – như một nghệ sĩ hài duyên dáng
Trong thế giới nơi các dàn nhạc thường chọn cách biểu diễn an toàn, Il Distratto nhắc ta rằng ngay cả những tác phẩm trang trọng, tinh tế nhất cũng có thể vô cùng hài hước. Với khán giả Việt Nam, đây là lời giới thiệu hoàn hảo dẫn dắt đến thế giới tinh nghịch của Haydn.