Mô tả ngắn
Nhạc trưởng Olivier Ochanine và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời chào mừng bạn tham dự hòa nhạc mùa xuân "Spring Fire" với sự tham gia biểu diễn của giọng ca baritone hàng đầu thế giới - Vladislav Sulimsky đến từ Nhà hát Mariinsky (Saint-Petersburg). Hẹn gặp các bạn vào tối 20/1 tại Nhà hát Hồ Gươm.
Antonín Dvořák
Carnival Overture, op. 92
Văn Cao
Mùa Xuân Đầu Tiên arranged by (A. Oon) for orchestra and soprano
Antonín Dvořák
Biblical songs, op. 99 for voice and orchestra (Vietnam Premiere)
Antonín Dvořák
Symphony No. 9 in e minor “From the New World” op. 95, B. 178
Hòa nhạc “SPRING FIRE”
Giá vé: 500.000đ | 800.000đ | 1.000.000đ | 3.000.000đ | 5.000.000đ
Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
Nhà soạn nhạc người Séc thành danh nhất chắc chắn là Antonin Dvořák – tác giả của ba tác phẩm Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời hân hạnh biểu diễn trong chương trình hoà nhạc tối nay. Ba tác phẩm này mang những màu sắc tương phản mặc dù được sáng tác trong cùng một thời kỳ 1891-1895. Dvořák là một ngoại lệ đối với nhà soạn nhạc người Đức Johannes Brahms khi dành được sự ngưỡng mộ hiếm hoi của Brahms, đồng thời, cũng là thần tượng của rất nhiều khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển. Dvořák đã tạo dựng tên tuổi với vô số bản giao hưởng, các tác phẩm piano, nhạc thính phòng và các sáng tác dành cho thanh nhạc. Tối nay, quý vị sẽ thưởng thức khúc mở màn “Carnival” và bản giao hưởng nổi tiếng nhất của ông “Từ Thế giới mới”, cùng với các ca khúc ít được biểu diễn hơn, lần đầu tiên công diễn tại Việt Nam – “Biblical Songs”.
Dvořák đã phải mất một thời gian dài mới đạt được thành công với tư cách là một nhà soạn nhạc, cuộc sống của ông khá chật vật và không có tác phẩm nào nổi bật cho đến cuối những năm 30 tuổi. Đến năm 1891, Dvořák được coi là một nhà văn hóa dân tộc chủ nghĩa, người truyền cảm hứng cho các nhà soạn nhạc trẻ người Mỹ và hỗ trợ thành lập một trường sáng tác tại Mỹ; do đó ông được mời đến New York đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia. Trong bốn năm tiếp theo, phong độ sáng tác của Dvořák đạt tới độ sung mãn, mang lại cho ông rất nhiều thành tựu.
Khúc mở màn Carnival là phần giữa của bộ ba khúc mở màn ban đầu mang tựa đề “Thiên nhiên, Cuộc sống và Tình yêu”. Carnival đại diện cho yếu tố “cuộc sống”, với giai điệu sôi động nhưng cũng đầy tinh tế, tái hiện nên khung cảnh lễ hội hoá trang náo nhiệt. Phần giữa nhẹ nhàng, du dương, phác hoạ một đôi uyên ương lạc giữa không khí bùng nổ của lễ hội. Carnival là một trong những khúc mở màn hoà nhạc thú vị nhất, với phần tambourine điêu luyện giúp tiếp thêm năng lượng tuyệt vời cho toàn bộ chương trình.
Dvořák là một người rất sùng đạo; nhưng không giống như những nhà soạn nhạc khác (Bach, Bruckner, Rachmaninov…), Dvořák không sáng tác quá nhiều tác phẩm lấy chất liệu từ tôn giáo. Trong đó có tác phẩm Lễ cầu hồn và Stabat Mate; tiếp nối là những khúc ca Kinh Thánh – Bibilical Songs (1894) chứa đựng chiều sâu tâm linh sâu sắc với mười ca khúc dành cho giọng trầm và piano (sau này được phối lại cho dàn nhạc), tác phẩm là lời thưa với Chúa về nỗi lòng, đức tin và niềm hạnh phúc. Phần lời được lấy từ Sách Thi thiên David, phiên bản lời bằng tiếng Séc được kết hợp với âm nhạc một cách vô cùng cảm động. Kỹ thuật sáng tác mà Dvořák sử dụng cũng rất đa dạng, từ một đoạn hát nói mộc mạc gợi lên lời cầu nguyện thầm lặng cho đến những giai điệu du dương kèm theo một số tiến trình hòa âm tuyệt đẹp. Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời rất vui mừng được biểu diễn ra mắt tác phẩm này tại Việt Nam.
Nổi tiếng nhất trong toàn bộ gia tài sáng tác của Dvořák chính là bản giao hưởng “Từ Thế giới mới”. Tác phẩm được viết trong năm đầu tiên Dvořák đến Mỹ (không lâu sau khi viết Carnival). Những thành công trong giai đoạn này, cũng như kinh nghiệm, năng lượng sáng tác ngày một nâng cao đã góp phần tạo nên một tác phẩm có chất lượng vượt trội. Bản giao hưởng sử dụng các yếu tố đặc trưng của âm nhạc người Mỹ gốc Phi và người Mỹ bản địa. Một đặc điểm nổi bật trong bố cục là sự hồi tưởng xuyên suốt các chủ đề giữa các chương, mang lại sự biểu đạt đồng nhất. Dvořák đã sử dụng cách tiếp cận này nhiều lần trước đó, nhưng tính nhất quán đặc biệt kỹ lưỡng ở tác phẩm này. Giai điệu English Horn trong chương thứ hai (sau này trở nên phổ biến rộng rãi nhờ học trò của ông đưa vào ca khúc ‘Goin’ Home’) được mô phỏng theo tinh thần của người da đen mà ông đã nghe khi ở Mỹ. Giọng ca của giọng nam trung Harry Burleigh được cho là đã truyền cảm hứng cho Dvořák sử dụng English Horn cho phần solo thay vì clarinet như dự định ban đầu. Tiếng kèn English Horn lay động tâm hồn là một trong những giai điệu dễ nhận biết nhất trong âm nhạc cổ điển. Người ta cảm nhận rằng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của Dvořák phảng phất đâu đó trong sự u buồn của chương nhạc chậm.
Bản giao hưởng ngay lập tức thành công vang dội và nổi tiếng cho đến ngày nay. Một điều thú vị là kèn tuba chỉ chơi một vài ô nhịp và chỉ ở chương thứ hai. Ngay cả trong những cao trào của đoạn cuối cũng không có tuba. Người ta kể rằng nhà soạn nhạc khó chịu vì sự gần gũi không đứng đắn của nhạc công tuba với vợ mình nên ông quyết định thêm một phần tuba vào trong tác phẩm, với mục đích đưa nhạc công tuba đi lưu diễn cùng và tránh xa vợ mình. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một câu chuyện vui và chưa bao giờ được xác thực.
“Mùa xuân Đầu tiên” của cố nhạc sỹ Văn Cao – huyền thoại của âm nhạc Việt Nam cũng là một món quà Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đem tới trong chương trình hoà nhạc chào đón mùa xuân, qua bản phối hoàn toàn mới của Bè trưởng kèn Cor của Dàn nhạc SSO – Alexander Oon.