Hòa nhạc tháng 8 “Brilliance in Harmony”

Mô tả ngắn

Ngôi sao thế giời kèn trumpet - Sergei Nakariakov – sẽ biểu diễn cùng Dàn nhạc SSO ngày 16/8. Đây là một dịp hiếm có khi chúng ta được đón chào một nghệ sỹ kèn trumpet đẳng cấp thế giới trên sân khấu hòa nhạc Hà Nội.

VĂN CAO
Đàn chim Việt
NSƯT Đăng Dương, Tenor

NGUYỄN ĐÌNH THI
Người Hà Nội
NSƯT Đăng Dương, Tenor

MOZART
Overture to The Marriage of Figaro

HUMMEL
Trumpet Concerto in E Major. S. 49
Sergei Nakariakov, Trumpet

TCHAIKOVSKY
Suite No. 3 for Orchestra in G, Op. 55

Hòa nhạc “Brilliance in Harmony: A Night of Musical Mastery
Thời gian: 20h00, thứ sáu ngày 16/8/2024
Địa điểm: Nhà hát Hồ Gươm, số 40-40A Hàng Bài, Hà Nội
Giá vé: 300.000đ | 500.000đ | 1.000.000đ | 2.000.000đ
Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
Thông tin sơ đồ chỗ ngồi: https://forms.gle/S3GVzuQV556w5RgX8

Những người bạn của SSO thân mến!

Chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong tháng 8 và tháng 9, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời mở đầu chương trình hòa nhạc đêm nay với hai ca khúc Việt Nam rất được khán giả yêu mến, qua giọng ca của NSƯT Đăng Dương. Ca khúc “Người Hà Nội” của cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi là bức tượng đài bằng âm thanh của người Hà Nội, vang lên đầy tự hào về truyền thống hào hùng, bức tranh chiến đấu cũng như niềm vui chiến thắng. Nối tiếp là ca khúc “Đàn Chim Việt” – nơi cố nhạc sỹ Văn Cao đã gửi vào những hình ảnh tượng trưng và gợi lên tâm trạng của đoàn quân kháng chiến, thể hiện tinh thần khát vọng về một đất nước hòa bình, thống nhất.

Các tác phẩm của Mozart và Tchaikovsky có thể đặt cùng nhau trong một chương trình hòa nhạc, hòa hợp với nhau như cách người ta ví von: bánh mì đi cùng với bơ. Mặc dù mang những khác biệt đáng kể về phong cách, thời kỳ sáng tác cùng nhiều yếu tố khác, Tchaikovsky thần tượng và chịu nhiều ảnh hưởng từ Mozart, điều này thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của Tchaikovsky. Bên cạnh Tổ khúc số 4 dành cho dàn nhạc mang tên “Mozartiana”, rất nhiều tác phẩm khác của Tchaikovsky, bao gồm cả bản Serenade cho bộ dây, đều tỏ lòng tôn kính thần tượng của mình.

Mozart – Overture to the Marriage of Figaro
Vào những năm 1780, Mozart đã ‘gây bão’ khắp châu Âu với Khúc mở màn nhạc kịch “Đám cưới Figaro” tràn đầy năng lượng, vui tươi, dí dỏm và hài hước. Thời bấy giờ, các khúc mở màn – overture thường không hé lộ về giai điệu hay chủ đề của vở opera, mà đóng vai trò như một tác phẩm độc lập. Và Overture “Đám cưới Figaro” đã rất thành công, luôn nằm trong lòng khán giả hâm mộ suốt hơn hai thế kỷ qua. Bản nhạc mở đầu với tiếng thì thầm phấn khích trong bộ dây trầm và kèn bassoon như những lời xì xào buôn chuyện, sau đó đột ngột biến hóa sang cảm giác hối hả, sôi nổi trong allegro, thiết lập nên bầu không khí cho cả opera. Overture này đặc biệt được hoàn thành chỉ hai ngày trước khi vở opera ra mắt.

Hummel – Trumpet Concerto in E Major. S. 49
Nghệ sĩ kèn trumpet Sergei Nakariakov – một trong những tên tuổi được săn đón nhiều nhất trên sân khấu quốc tế, sẽ mang đến với khán giả Hà Nội bản Concerto dành cho kèn Trumpet giọng Mi giáng Trưởng của nhà soạn nhạc gốc Hungary Johann Nepomuk Hummel. Hummel là học trò của Mozart, và giống như người thầy của mình, Hummel cũng được ca ngợi là một thần đồng. Bản Concerto được Hummel sáng tác theo hình thức sonata cổ điển chuẩn mực, với hai đặc điểm phong cách trong chương mở đầu, chương thứ hai nhịp nhàng và kịch tính, khép lại với chương cuối một cách nhẹ nhàng và vui tươi. Bản Concerto này mang đầy đủ những đặc điểm của Trường phái Cổ điển Vienna. Tác phẩm phô diễn những kỹ thuật điêu luyện, nét trữ tình và các cung bậc cảm xúc của kèn trumpet hiện đại cũng như tiền thân của trumpet. Ban đầu được viết ở giọng Mi tự nhiên, tác phẩm đã được chuyển soạn để phù hợp với các đặc điểm kỹ thuật của kèn trumpet hiện đại.

Tchaikovsky – Suite No. 3 for Orchestra in G, Op. 55
Một trong những món chính trong bữa tiệc âm nhạc tối nay là Tổ khúc số 3 dành cho dàn nhạc của Tchaikovsky. Tác phẩm được sáng tác năm 1884 – giai đoạn khi nhà soạn nhạc vừa chấm dứt cuộc hôn nhân thảm họa của mình, gặt hái thành công rực rỡ từ vở opera Mazeppa, cũng là khi ông được được Sa hoàng Nicholas Alexander III trao tặng Huân chương Thánh Vladimir – huân chương dân sự cao nhất của Nga. Tất cả những điều này dường như báo trước một chương mới trong cuộc đời của nhà soạn nhạc, khi ông cũng bắt đầu trao đổi thư từ với người bảo trợ của mình Nadezhda von Meck, và danh tiếng của ông ngày một tăng lên.
Tchaikovsky đã dành một khoảng thời gian nghỉ ngơi tại điền trang của vợ chồng chị gái ông tại Kamenka, nơi ông bắt đầu nghiên cứu vở opera Cây Sáo Thần của Mozart, cố gắng học tiếng Anh và dành nhiều thời gian lang thang trong rừng. Tổ khúc số 3 được Tchaikovsky viết trong thời gian này, trở thành tác phẩm dành cho dàn nhạc được biểu diễn rộng rãi nhất của ông trong một thời gian khá dài (tất nhiên ngày nay các bản giao hưởng của Tchaikovsky đã trở nên phổ biến hơn nhiều). Tổ khúc tuyệt đẹp này cũng mang lại cho Tchaikovsky thành công vạng dội đầu tiên tại Mỹ khi ông chỉ huy tác phẩm này cùng với New York Symphony Society vào ngày 7 tháng 5 năm 1891 tại thánh đường âm nhạc Carnegie Hall chỉ một vài ngày sau lễ khánh thành nhà hát.

Tổ khúc ban đầu gồm năm chương (chương “Contrastes” sau này đã tách ra thành một tác phẩm độc lập cho piano và dàn nhạc), mở đầu bằng một khúc ai điếu tuyệt đẹp, với một bản serenade dịu dàng dành cho bộ dây. Tất cả các chương trong tổ khúc này đều mang những nét rất giống với ballet – chắc hẳn là vì Tchaikovsky là cha đẻ của ba vở ballet nổi tiếng. Chương hai pha lẫn một chút u tịch, là một ‘điệu valse u sầu’ làm nổi bật khả năng phối khí và sử dụng màu sắc thiên phú của Tchaikovsky. Chương ba là một tarantella đẩy các thái cực trong một dàn nhạc hợp nhất lên cao với sự trao đổi liên tục, ngắt quãng giữa bộ hơi và bộ dây. Chương cuối là một chủ đề quy mô lớn cùng các biến thể lên đến đỉnh điểm trong một điệu polacca (polonaise) tuyệt vời! Chương này cho thấy một Tchaikovsky trong giai đoạn sáng tác hoàn toàn trưởng thành của ông, với mỗi biến thể đều có nét độc đáo riêng. Tchaikovsky thường chỉ huy chương cuối này như một tác phẩm độc lập; chương cuối cũng được sử dụng trong một tác phẩm do George Balanchine biên đạo vào năm 1947, với các chất liệu được đưa vào ballet – nơi nó thực sự thuộc về.

Đến buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Chuẩn bị cho buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm
Tại buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Cách thức mua vé



Chức năng này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cám ơn quý vị.