Hòa nhạc “Classical music with a twist”

Mô tả ngắn

Đêm 31/5, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời sẽ mang tới một đêm nhạc cổ điển độc đáo, món quà đặc biệt nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.

HAYDN
Symphony No. 45 “Farewell”

MILHAUD
Le Boeuf sur le Toit (Vietnam Premiere)

PROKOFIEV
Peter and the Wolf

Hòa nhạc “Classical Music with a Twist”

Thời gian: 20h00, thứ sáu ngày 31/5/2024
Địa điểm: Nhà hát Hồ Gươm, số 40-40A Hàng Bài, Hà Nội
Giá vé: 300.000đ | 500.000đ | 800.000đ | 1.000.000đ
📞 Liên hệ mua vé: 0965 765 946 – 0913 489 858 (Giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội)
📱 Thông tin sơ đồ chỗ ngồi: https://forms.gle/q4RiszuCCJUvspp78

Những người bạn của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời thân mến!

Yếu tố bất ngờ trong âm nhạc cổ điển – tại sao lại không nhỉ? Chúng ta thường hay đóng khung nhạc cổ điển với sự trang trọng, nghiêm túc, đôi khi là cứng nhắc hay quá bác học. Tuy nhiên, âm nhạc xung quanh chúng ta đôi khi cũng đầy dí dỏm, mang tính biểu tượng hoặc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau trong cùng một tác phẩm.

Trong chương trình Hòa nhạc ngày 31/5 tới, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời trình diễn ba tác phẩm với những nét độc đáo riêng biệt, ấn tượng cả thính giác và thị giác của khán giả.

Franz Joseph Haydn | Bản giao hưởng số 45 “Từ biệt”
Mở đầu đêm hòa nhạc là Bản giao hưởng số 45 của Franz Joseph Haydn – tác phẩm nhanh chóng trở thành một trong các tác phẩm có ảnh hưởng nhất của ông và được trình diễn rộng rãi. Haydn là nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc tại Cung điện Esterháza của Hoàng tử Esterházy ở Hungary. Mặc dù Haydn thường viết các bản giao hưởng nhằm mục đích lấy thù lao, Bản giao hưởng số 45 là một ngoại lệ thú vị: Haydn đã viết tác phẩm này như một lời giãi bày với Hoàng tử khi các nhạc công trong dàn nhạc Cung điện đã quá mệt mỏi vì phải xa vợ con quá lâu mùa hè năm ấy. Sau khi nhận được lời thỉnh cầu giúp họ được về nhà, Haydn thay vì trực tiếp báo cáo chuyện này với Hoàng tử, đã chọn viết một bản giao hưởng. Tại chương cuối của Bản giao hưởng ngày nay mang tên “Từ biệt”, các nhạc công lần lượt ngừng chơi và rời khỏi sân khấu. Cuối cùng, chỉ còn lại hai nghệ sỹ vĩ cầm, một trong số họ chính là Haydn. Hiệu ứng hình ảnh nổi bật của tác phẩm này có tác động to lớn trong âm nhạc cổ điển thời bấy giờ, cũng như thông điệp gửi tới Hoàng tử vô cùng rõ ràng. Sau buổi ra mắt bản giao hưởng, các nhạc công thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng họ có thể trở về với gia đình mình ở Eisenstadt vào ngay tuần kế tiếp.

Âm nhạc trong tác phẩm đôi khi rất quyến rũ, tràn ngập Sturm und Drang (bão tố và căng thẳng) – phong cách điển hình trong thời đại này, nổi bật với cấu trúc nặng nề, tối tăm và những phân đoạn điên cuồng, như giai điệu từ những nốt nhạc đầu tiên của bản giao hưởng. Mô-típ đi xuống ở giọng thứ rất bắt tai; không có phần giới thiệu chậm rãi mà là một sự bùng nổ đầy kịch tính – chưa kể đến giọng Fa thăng thứ rất khác thường (đây là bản giao hưởng duy nhất của thế kỷ 18 được viết ở giọng này). Chương hai êm dịu hơn nhiều và là điển hình cho một chương nhạc chậm của Haydn, với những tiếng vĩ cầm được diễn tấu bằng thủ pháp giảm âm mang lại giai điệu ngọt ngào và nhẹ nhàng. Chương tiếp theo chủ yếu được xây dựng theo cùng một mô-típ đi xuống ở đầu bản giao hưởng, giống như một điệu nhảy và là sự kết hợp giữa minuet-trio truyền thống. Chương cuối mở đầu với sự cuồng nhiệt thường thấy như chương kết của Haydn, nhường chỗ cho đoạn adagio rất bất ngờ tiết lộ mục đích của bản giao hưởng – sự biến mất dần dần của dàn nhạc. Khán giả xem trực tiếp thường cho rằng đây là hiệu ứng hình ảnh mang tính hài hước, tuy nhiên, động lực chính của Haydn cho sự sáng tạo này chính là sự tôn trọng dành cho các nhạc công.

Darius Milhaud | “Le Boeuf sur le Toit” (Con bò trên Mái nhà)
Tác phẩm thứ hai trong chương trình là âm nhạc của vở ballet ngắn chưa từng được biểu diễn ở Việt Nam, mang tên “Le Boeuf sur le Toit” (tạm dịch: “Con bò trên Mái nhà”) của nhà soạn nhạc người Pháp Darius Milhaud. Vậy đâu là bất ngờ trong tác phẩm này? Hãy bắt đầu với khía cạnh hòa âm, tác phẩm hài hước khi kết hợp các điệu tính khác nhau, cố tình tạo ra những giai điệu nghịch tai một cách hiển nhiên, kỳ quặc hệt như quán bar cùng tên tại Paris. Mặc dù được mở sau khi bản nhạc được sáng tác, quán bar “Le Boeuf sur le Toit” trở thành địa điểm yêu thích của Milhaud và rất nhiều nhà soạn nhạc, nghệ sĩ và người nổi tiếng khác (bao gồm cả Jean Cocteau – tác giả viết kịch bản cho vở ballet). Hồi ký của Milhaud “Cuộc đời hạnh phúc của tôi” (với tựa ban đầu là “Những ghi chép không về âm nhạc”) hé lộ câu chuyện đã truyền cảm hứng cho vở ballet. Phong cách sáng tác của Milhaud hoàn toàn trái ngược với phong cách sáng tác của những tác giả người Pháp như Debussy hay Franck; Milhaud là thành viên của Les Six, một nhóm các nhà soạn nhạc người Pháp tán thành phong cách gắn liền Jazz với câu lạc bộ đêm. Vở ballet tràn ngập âm hưởng thời đại của Milhaud ở Brazil; chúng ta có thể nghe thấy điệu tango, samba và các điệu nhảy đặc trưng khác, tất cả đều thường xuyên bị gián đoạn bởi chủ đề của hình thức tựa như rondo mở đầu vở ballet và tái xuất hiện sau mỗi phần. Âm nhạc chứa nhiều đoạn độc tấu dí dỏm, giai điệu vui nhộn và tràn đầy nhịp điệu!

Sergey Prokofiev | “Peter and the Wolf” (Peter và Chó sói)
Buổi hòa nhạc khép lại với câu chuyện rất được yêu mến “Peter và Chó sói”, được kể bằng nhiều nhạc cụ khác nhau của dàn nhạc đại diện cho các nhân vật trong truyện và người kể chuyện. Tác phẩm này từ lâu luôn được cả trẻ em và người lớn yêu thích qua việc sử dụng sáng tạo các loại nhạc cụ khác nhau. Khả năng kỳ lạ của Prokofiev thể hiện trong việc mô tả các nhân vật tương tác với nhau thông qua màu sắc, giai điệu và hòa âm kích thích tư duy của dàn nhạc. Theo nhà soạn nhạc: “Mỗi nhân vật trong câu chuyện được thể hiện bằng một nhạc cụ tương ứng trong dàn nhạc: con chim qua tiếng flute, con vịt là oboe, con mèo là clarinet chơi staccato ở âm vực trầm, ông nội là tiếng bassoon, con sói là bộ ba kèn cor, Peter được thể hiện bởi tứ tấu dây, tiếng súng của những người thợ săn là các loại trống. Trước khi thưởng thức tác phẩm, các bạn nhỏ có thể xem từng loại nhạc cụ và lắng nghe các giai điệu tương ứng, qua đó, các em sẽ học cách phân biệt âm sắc của các nhạc cụ khi thưởng thức tác phẩm này.” Thậm chí nhiều thập kỷ trước khi nhà soạn nhạc và nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein cùng với New York Philharmonic tổ chức các buổi hòa nhạc huyền thoại dành cho giới trẻ, Prokofiev đã viết những tác phẩm nhằm đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với thiếu nhi. Một thập kỷ sau Prokofiev, Benjamin Britten đã cho ra đời tác phẩm “Young Person’s Guide to the Orchestra” (tạm dịch: “Hướng dẫn về dàn nhạc dành cho người trẻ”). Ngày nay, các buổi hòa nhạc hướng tới giới trẻ được tổ chức rộng rãi hơn và cũng mang lại niềm hứng khởi cho các nghệ sỹ dàn nhạc khi được nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt khán giả. “Peter và Chó sói” là một trong những tác phẩm hay nhất dành cho mọi lứa tuổi và các nghệ sỹ của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời rất hạnh phúc được mang tác phẩm này tới các khán giả thân yêu vào tối ngày 31/5 tại Nhà hát Hồ Gươm.

Đến buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Chuẩn bị cho buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm
Tại buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Cách thức mua vé



Chức năng này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cám ơn quý vị.