Hòa nhạc “Devil’s Last Dance

Mô tả ngắn

Nhạc trưởng Olivier Ochanine và Dàn nhạc SSO có một cái hẹn rất đặc biệt với các bạn trong mùa lễ hội Halloween này: chương trình hòa nhạc “DEVIL’S LAST DANCE”.

MODEST MUSSORGSKY
Night on Bald Mountain
(arr. for brass ensemble by Scott Sutherland)

IGOR STRAVINSKY
l’Histoire du Soldat
Narrator and Devil: Hứa Thanh Tú, Soldier: Marianne Séguin, Princess: Dương Bảo Phương

BERNARD HERRMANN
Selections from Psycho Movie Soundtrack

CAMILLE SAINT-SAËNS
Danse Macabre (arr. H Mouton)

PAUL DUKAS
The Sorcerer’s Apprentice (arr. H Mouton)

Quý vị đã sẵn sàng cho đêm nhạc Halloween cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời? Chương trình hòa nhạc trong buổi tối hôm nay bao gồm hai phần. Mở đầu bằng sắc màu u tối của “Night on Bald Mountain” (từng xuất hiện trong bộ phim kinh điển “Fantasia” của Disney) qua sự thể hiện tài ba của năm nghệ sĩ kèn đồng. Tiếp nối là lần đầu tiên Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời trình diễn một tác phẩm của Stravinsky, mặc dù chỉ với 7 nhạc cụ, tác phẩm lại rất đa sắc với sự kết hợp của các nhạc công, các diễn viên và thậm chí cả một vũ công. Nửa sau của buổi hòa nhạc mang lại cảm giác ớn lạnh thực sự, với âm nhạc rung rợn từ bộ phim “Psycho” của nhà soạn nhạc phim nổi tiếng Bernard Herrmann với giai điệu khó có thể quên. Chương trình hòa nhạc khép lại với hai tác phẩm hòa tấu thú vị: “Danse Macabre” – gợi lên hình ảnh những bộ xương nhảy múa, và “Sorcerer’s Apprentice” – cũng nổi tiếng thông qua bộ phim “Fantasia”.

MODEST MUSSORGSKY
Night on Bald Mountain
(arr. for brass ensemble by Scott Sutherland)
“Night on Bald Mountain” của Mussorgsky có không dưới bốn phiên bản chỉnh sửa cho hòa tấu. Phiên bản cuối cùng phổ biến nhất ngày nay được viết bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng Nicolai Rimsky–Korskov. Tối nay, ngũ tấu kèn đồng của chúng tôi sẽ trình bày bản chuyển soạn rút gọn, truyền tải đầy đủ những nét đặc sắc của tác phẩm. Giai điệu u ám của kèn đồng rất phù hợp với yếu tố ma quỷ, phép thuật được mô tả trong những phân đoạn Mussorgsky viết cho một vở opera bị bỏ quên. Ông thậm chí còn chưa bao giờ được thưởng thức chính tác phẩm này viết cho dàn nhạc.

IGOR STRAVINSKY
l’Histoire du Soldat
Narrator and Devil: Hứa Thanh Tú, Soldier: Marianne Seguin, Princess: Dương Bảo Phương
“Đặc sản” của buổi hòa nhạc tối nay là những mưu mô, sự tàn ác và ma quỷ – một đêm Halloween đúng nghĩa! Tác phẩm đinh trong chương trình cũng không ngoại lệ khi kể về thủ đoạn của một con quỷ và việc một người lính rơi vào cái bẫy của lòng tham lam.

Đây chắc chắn là tác phẩm thách thức nhất đối với người biểu diễn (đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật) và có lẽ đối với cả người nghe khi tác phẩm vượt ra khỏi giới hạn của hình thức, hòa âm truyền thống. “Câu chuyện Người lính” là một tác phẩm sân khấu ra đời trong thời kỳ khó khăn của nhà soạn nhạc. Bốn năm sau Thế chiến thứ nhất với rất ít cơ hội làm việc, khả năng tài chính của Igor Stravinsky rơi vào tình cảnh tồi tệ. Sinh sống tại Thụy Sĩ, Stravinsky quen biết tiểu thuyết gia người Thụy Sĩ C.F. Ramuz. Stravinsky bị chia cắt khỏi quê hương vì Cách mạng Nga, và với mục đích tìm cách kiếm tiền, ông quyết định sáng tác một tác phẩm có thể dễ dàng biểu diễn vòng quanh các ngôi làng ở Châu Âu.

Tác phẩm là sự kết hợp nhạc cụ khá lạ kỳ: violin, contrabass, bộ gõ, bassoon, clarinet, trumpet và trombone. Điều này tạo nên một tổng thể âm nhạc khá đen tối, và câu chuyện qua lời kể của người dẫn chuyện và diễn viên trong vai ác quỷ và người lính tuy u tối nhưng cũng phảng phất trong đó những nét hài hước, tươi đẹp và thậm chí là bài học cuộc sống về sự khiêm tốn.
Thật không may cho Stravinsky, ngay sau thành công của buổi ra mắt, đại dịch cúm năm 1918 đã dập tắt mọi hy vọng, kế hoạch về chuyến lưu diễn của tác phẩm.

Mở đầu tác phẩm là giai điệu cuộc hành quân, là bước chân của người lính trên đường về nhà nghỉ phép, giai điệu này xuất hiện lại nhiều lần trong câu chuyện. Ở cảnh đầu tiên, con quỷ xuất hiện là một ông già mang theo chiếc lưới bắt bướm. Con quỷ chào người lính trẻ trên đường đi và đề nghị mua cây vĩ cầm của anh (cây vĩ cầm tượng trưng cho tâm hồn người lính) để đổi lấy một cuốn sách ma thuật. Người lính đồng ý, nhưng con quỷ tiếp tục thuyết phục anh đi theo hắn về nhà để dạy hắn chơi đàn. Khi người lính trở về làng sau phân cảnh này, anh mới nhận ra rằng mình đã bị lừa: ba năm đã trôi qua, vị hôn phu của anh đã kết hôn với người khác, sinh hai đứa con, và không một bạn bè nào nhận ra anh ta nữa. Cải trang thành một tay buôn gia súc, con quỷ tái xuất hiện và chỉ cho chàng trai trẻ cách cuốn sách có thể giúp anh trở nên giàu có.

Tiếp theo, con quỷ lại xuất hiện trong bộ dạng một người buôn quần áo, người lính nay đã trở nên rất giàu có nhưng không hề hạnh phúc. Nhìn thấy tay lái buôn có cây vĩ cầm cũ của mình, người lính chộp lấy và cố gắng chơi nhưng chiếc đàn không phát ra âm thanh; trong cơn tuyệt vọng, người lính ném cây đàn ra khỏi sân khấu.

Kế đến là giai điệu Royal March nổi tiếng qua tiếng kèn trumpet điêu luyện. Trong cảnh này, con gái của nhà vua bị ốm và nhà vua đã hứa phong phò mã cho bất cứ ai có thể chữa khỏi bệnh cho công chúa. Con quỷ khuyến khích người lính chữa bệnh cho công chúa, người lính chơi bài với con quỷ, khiến hắn say rượu và lấy lại cây vĩ cầm của mình.
Sau đó, người lính tới bên giường bệnh của công chúa, chơi đàn violin cho nàng bằng cả tâm hồn mình. Nàng công chúa tỉnh dậy và nhảy ba điệu nhảy, hai trong số đó – bản Tango và Waltz – chịu ảnh hưởng của nhạc jazz, và điệu nhảy Ragtime, sau đó nàng ôm lấy người lính. Con quỷ xuất hiện, lần này hiện hình là một ác quỷ với cái đuôi nhọn, người lính sử dụng cây vĩ cầm của mình để chiến thắng hắn. The Devil’s Song hé lộ về chiến thắng cuối cùng, với hai Chorales, phần nào giống với những bài hợp xướng của người Luther ở miền Bắc nước Đức, gợi nhớ về quá khứ, tượng trưng cho kiếp trước đơn thuần của người lính.

Trong cảnh cuối cùng, vài năm đã trôi qua, người lính và công chúa về thăm nhà anh ta. Khi họ vượt qua biên giới, con quỷ tái xuất hiện và giành lại quyền kiểm soát cây vĩ cầm, đánh bại người lính. “Câu chuyện Người lính” bắt đầu bằng một cuộc hành quân, và cũng kết thúc bằng một cuộc hành quân khác – Cuộc hành quân khải hoàn của quỷ dữ. Rực rỡ và sống động, các nhạc cụ khác nay nhường chỗ hoàn toàn cho bộ gõ để đưa âm nhạc đạt tới những sắc thái kỳ lạ nhất. Người ta ví hiệu ứng này như việc loại bỏ những thứ không liên quan chỉ để lại bộ xương của âm nhạc – một kết luận phù hợp với chiến thắng của ma quỷ. Các nhạc cụ giảm dần cũng gợi nhớ về Farewell Symphony của Haydn, kết thúc với cảnh một người chơi duy nhất trên sân khấu dập tắt ngọn nến cuối cùng.

“Câu chuyện Người lính” không hề là một tác phẩm dễ nghe; ta sẽ không về nhà vui vẻ huýt sáo theo những giai điệu từ tác phẩm này. Đây là một tác phẩm sân khấu tuyệt vời thể hiện đúng chất jazzy của Stravinsky, với những lời thoại dí dỏm được thể hiện qua hai diễn viên xuất sắc và một khung cảnh đầy ám ảnh kể về sự thức tỉnh của công chúa. Đây là một trong những tác phẩm thử thách nhất được viết bởi Stravinsky – đòi hỏi kỹ thuật chơi đàn và chỉ huy điêu luyện, có lẽ đó cũng là lý do hầu hết chúng ta ít có cơ hội thưởng thức tác phẩm. Và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời có hân hạnh mang tác phẩm tới quý vị ngày hôm nay!

BERNARD HERRMANN
Selections from Psycho Movie Soundtrack
Tác giả nhạc phim/Học giả Fred Steiner từng nhận xét: “Cũng giống như những hình ảnh ‘không màu’ của một bộ phim đen trắng có thể truyền tải tất cả cảm xúc và hiệu ứng hình ảnh mà đạo diễn mong muốn, dàn nhạc dây cũng có khả năng – trong giới hạn của một màu cơ bản – tạo ra một phạm vi biểu đạt rộng lớn và vô số hiệu ứng kịch tính giàu cảm xúc, với tất cả các sắc độ.”

Đạo diễn phim nổi tiếng Alfred Hitchcock và nhà soạn nhạc Bernard Herrmann đã chung tay thực hiện nhiều dự án phim, cùng với Herrmann – một người khá nóng nảy mà nhiều người né tránh hợp tác, nhưng lại là tác giả yêu thích của Hitchcock.

Ban đầu, Hitchcock muốn cảnh giết người trong phòng tắm (vâng, một cảnh đẫm máu, ngay cả đối với một buổi hòa nhạc Halloween) không có bất kỳ nhạc nền nào. Tuy nhiên, sau khi xem phim, đạo diễn đã quyết định để Herrmann đưa bản nhạc đã sáng tác sẵn của ông vào cảnh phòng tắm này. Hiệu ứng âm nhạc của Herrmann xuất sắc đến mức ngay cả Hitchcock bướng bỉnh cũng phải ấn tượng.

Khán giả chắc chắn sẽ nhận ra những hiệu ứng âm nhạc độc đáo và khó quên khi dây đàn mô phỏng những cú dao đâm (được tạo ra bởi glissando hoặc ngón tay di chuyển trên dây đàn trong khi kéo vĩ).

Đương nhiên, nhạc phim không chỉ đặc biệt trong phân cảnh phòng tắm này mà còn trong những chương nhạc khác khi khắc họa những âm thanh và hiệu ứng đa dạng đáng ngạc nhiên của dàn nhạc dây. Các bản nhạc khác của Herrmann thường là những sáng tác dành cho dàn nhạc đầy đủ, tuy nhiên, trong Psycho lại là âm thanh khô cộc của bộ dây (không có vibrato), rất phù hợp với không khí ớn lạnh ngày Halloween.

CAMILLE SAINT–SAËNS
Danse Macabre (arr. H Mouton)
Cũng nằm trong bầu không khí của ngày lễ ma quỷ, Danse Macabre mô tả rõ nét điệu nhảy của người chết (một chủ đề rất phổ biến trong nghệ thuật và âm nhạc châu Âu kể từ thời Trung cổ); tác phẩm thậm chí còn bắt đầu bằng mười hai tiếng chuông đồng hồ lúc nửa đêm ở nghĩa địa. Người ta cũng có thể mường tượng thấy hình dáng của người chết qua tiếng vĩ cầm (nhạc công vĩ cầm ban đầu được yêu cầu căn chỉnh lại dây trên cùng, tạo ra cảm giác chói tai, mô phỏng hình tượng cái chết).

Xuất phát là một bài hát, Danse Macabre được Saint–Saëns viết lại, chuyển thể phần đầu từ lời hát sang độc tấu violin. Nhạc đệm mô tả tiếng kêu lạch cạch của bộ xương. Dies irae (Ngày phẫn nộ) – một bài thánh ca nổi tiếng trong Thánh lễ Cầu hồn của Công giáo La Mã – xuất hiện như trong rất nhiều sáng tác đề cập đến cái chết. Chủ đề này được chơi bởi bộ hơi và tác phẩm đạt đến cao trào ấn tượng khi kết hợp các chủ đề lặp đi lặp lại, trước khi tiếng kèn oboe mô phỏng tiếng gà gáy vào buổi sáng và hình ảnh những bộ xương nhảy múa quay trở lại ngôi mộ của mình.

Danse Macabre được viết vào năm 1874, ra đời vào thời điểm các bài thơ có giai điệu trở nên phổ biến nhờ vào Franz Liszt. Việc sử dụng các chủ đề liên quan đến cái chết và những ám chỉ u tối cũng là lựa chọn phổ biến trong các tác phẩm Thời kỳ Lãng mạn thế kỷ 19.

PAUL DUKAS
The Sorcerer’s Apprentice (arr. H Mouton)
Bộ phim được yêu thích, nổi tiếng của Disney “Fantasia” đã khiến cho “Sorcerer’s Apprentice (Phù thủy tập sự)” trở nên phổ biến. Bộ phim cũng như nhạc phim mô tả một cách khéo léo khung cảnh hỗn loạn khi những cây chổi không thể kiểm soát được cùng sự tuyệt vọng của anh chàng phù thủy tập sự.

Trong câu chuyện vui nhộn lấy cảm hứng từ Goethe – nhà viết kịch người Đức, người học việc của một ảo thuật gia quan sát thấy người thầy của mình sử dụng một cây chổi để tạo ra mọi phép màu trong cuộc sống. Một ngày khi người thầy vắng nhà, chàng phù thủy tập sự quyết định thử vận may với trò ảo thuật này, yêu cầu cây chổi lấy nước, nhưng vô tình khiến cây chổi hơi nổi điên khiến ngôi nhà ngập nước. Trong cơn hoảng loạn không biết phải làm thế nào để thu hồi phép thuật, anh chàng chặt cây chổi, nhưng lại khiến cây chổi sinh sôi nảy nở và chẳng bao lâu, hàng chục cây chổi mới bắt đầu lấy nước, gây ra trận lụt lớn.

Tác phẩm kỳ diệu này, giống như Danse Macabre, tận dụng những sắc màu độc đáo của nhiều nhạc cụ khác nhau để khắc họa những yếu tố nhất định. Bộ dây êm ái mở ra bản nhạc, tạo nên bối cảnh của phép thuật. Ngay sau đó, bassoon mô phỏng cây chổi, xuất hiện lặp đi lặp lại xuyên suốt bản nhạc, mỗi lúc một điên cuồng hơn. Một phân đoạn thường dùng trong audition (buổi thi tuyển) trích từ tác phẩm này, cùng với bộ gỗ, thể hiện tiếng nước bắn tung tóe, lụt lội gây ra bởi những cây chổi hỗn loạn.

Âm nhạc thật mê hoặc và là một cách tuyệt vời để khép lại buổi hòa nhạc đêm nay!

Đến buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Chuẩn bị cho buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm
Tại buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Cách thức mua vé



Chức năng này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cám ơn quý vị.