Hòa nhạc “Myths & Legends”

Mô tả ngắn

Giám đốc Âm nhạc/Nhạc trưởng Olivier sẽ đưa các bạn chu du vào các truyền thuyết, các câu chuyện thần thoại tại Hòa nhạc “Myths & Legends”

Pyotr Ilyich Tchaikovsky
Waltz from Sleeping Beauty

Jean Sibelius
Pelleas and Melisande

Henrik Wieniawski
Légende
Nguyen My Huong, violin solo

Johann Strauss II
The Blue Danube

Edvard Grieg
Peer Gynt selections

Jules Massenet
Suite from Bacchus

Gioachino Rossini
Fanfare from William Tell Overture

HÒA NHẠC “MYTHS & LEGENDS”
Giá vé: 500.000đ | 300.000đ | 150.000đ
Liên hệ mua vé (giao vé miễn phí trong nội thành Hà Nội): 0965 765 946 – 0913 489 858

Những người bạn của SSO thân mến!
Giám đốc Âm nhạc/Nhạc trưởng Olivier sẽ đưa các bạn chu du vào các truyền thuyết, các câu chuyện thần thoại tại Hòa nhạc “Myths & Legends” vào tối thứ Hai ngày 18/9 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (số 77 Hào Nam, Hà Nội) với nhạc mục thân quen ngay từ tác phẩm đầu tiên.

Trong chương trình hòa nhạc đêm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời sẽ mang đến những bản nhạc cuốn hút nhất được lấy cảm hứng từ một số truyền thuyết cũng như các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp.

Mở đầu đêm nhạc là giai điệu waltz thân thuộc với mỗi chúng ta trích từ vở ballet “Người đẹp ngủ trong rừng” của Tchaikovsky. Điệu waltz đầy mê hoặc chắc hẳn là tiết mục nổi tiếng và được yêu thích nhất trong vở ballet mang tính biểu tượng này. “Người đẹp ngủ trong rừng” – một vở ballet kéo dài khoảng ba giờ – được Tchaikovsky viết chỉ trong vỏn vẹn bốn mươi ngày! Câu chuyện kể về nàng công chúa Aurora bị mụ tiên độc ác Carabosse nguyền rủa. Năm 16 tuổi, nàng bị mũi nhọn của con thoi đâm vào ngón tay, chìm vào giấc ngủ suốt trăm năm, và rồi được đánh thức bởi nụ hôn của hoàng tử Désiré. Điệu waltz là hình ảnh dân chúng trong thị trấn cầm hoa nhảy múa chúc mừng sinh nhật lần thứ 16 của nàng công chúa trước khi lời nguyền xảy ra.

Bên cạnh những nhạc mục thân thuộc, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cùng Giám đốc Âm nhạc Olivier luôn mong muốn mang đến cho quý khán giả những bản nhạc tuy ít được biết đến nhưng lại vô cùng xuất sắc. Do vậy, tiếp nối điệu waltz là một trong những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời nhất của Jean Sibelius – nhà soạn nhạc người Phần Lan được biết đến với các bản giao hưởng và hòa tấu cho violin. Một trong những tác phẩm xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý của ông là “Pelléas và Mélisande” – được nhà soạn nhạc viết vào năm 1905 cho vở kịch cùng tên của Maurice Maeterlinck. Jean Sibelius đã sáng tác một tổ khúc gồm chín chương từ tác phẩm này và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời hân hạnh được trình diễn đêm nay.

Câu chuyện lấy bối cảnh tại vùng lân cận lâu đài Vua Arkel, nơi Golaud – cháu trai của nhà vua tìm thấy Mélisande trong một khu rừng. Họ kết hôn, tuy nhiên cuộc sống trong tòa lâu đài của Mélisande không hề hạnh phúc. Cô trở nên thân thiết với Pelléas – em trai của Golaud. Tình yêu của Pelléas dành cho Mélisande ngày một lớn đến mức anh không thể chịu đựng được và tuyên bố sẽ rời đi. Trong cuộc gặp gỡ đó, Mélisande đã thổ lộ tình yêu của mình đối với Pelléas, Golaud xuất hiện và giết chết em trai của mình trong cơn ghen tuông cuồng nộ. Mélisande bỏ chạy, nhưng đã bị bắt quay trở lại lâu đài, nơi cô sớm qua đời sau đó có lẽ do nỗi đau mất đi tình yêu.

Tại Cổng Lâu Đài – Trong chương mở đầu, chất âm nhạc Sibelius hiện lên rõ nét, đó là sắc trầm nhưng lại rất trữ tình. Bằng những hòa âm đẹp đẽ nối tiếp nhau, chương mở đầu khắc họa tâm trạng xuyên suốt của toàn bộ tổ khúc: lạnh lẽo như khí hậu Phần Lan, kết hợp thú vị với tiếng flute, piccolo, oboe, English Horn, hai kèn clarinet, hai bassoon, hai kèn horn, timpani và bộ gõ, cùng bộ dây. Sự kết hợp này diễn đạt hoàn hảo cảm xúc của toàn bộ tổ khúc, với những khung cảnh hoang vắng nhất trong âm nhạc của Sibelius.

Mélisande – Với trung tâm là tiếng English Horn, chương nhạc là phân cảnh Golaud tìm thấy Mélisande đang khóc bên bờ suối trong khu rừng.

Bên Bờ Biển – Đó là nơi Pelléas và Mélisande lần đầu gặp gỡ khi họ cùng ngắm một chiếc thuyền ra khơi. Âm trầm của bộ dây với những âm sắc và cao của piccolo/clarinet là sự kết hợp chưa từng thấy trong các tiết mục dành cho dàn nhạc. Chương nhạc tận dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật âm thanh khác nhau của các nhạc cụ, mang lại một bầu không khí hoàn toàn khác biệt.

Dòng Suối Trong Công Viên – Điệu waltz tuyệt đẹp mở ra khung cảnh hai nhân vật chính dạo bước bên bờ suối trong công viên. Mélisande đánh rơi chiếc nhẫn mà Golaud (anh trai của Pelléas) đã tặng cô. Giai điệu mặc dù tươi vui hơn lần gặp đầu tiên của Pelléas và Mélisande, tuy nhiên, một điềm đáng ngại vẫn ngầm chảy bên dưới.

Ba Chị Em Mù – Tiếng English Horn và Clarinet một lần nữa lại thống trị chương nhạc u ám này, khi mà Mélisande bày tỏ niềm hy vọng đang ngày một héo mòn của mình.

Khúc Nhạc Đồng Quê – Tiếng pizzicato nhí nhảnh làm nền cho bộ hơi vẽ nên bức tranh thanh bình với những chú chim bay lượn phía trên Mélisande và Golaud, và hòa mình vào bầu trời bên ngoài tòa lâu đài.

Mélisande Và Guồng Quay – Chương nhạc một lần nữa cho thấy khả năng đáng kinh ngạc của Sibelius trong việc gợi lên hình ảnh thông qua âm nhạc. Chúng ta có thể hình dung ra tiếng chuyển động của guồng quay qua bộ dây và bộ hơi.

Entr’acte – Chương nhạc là hiện thân của tình yêu ngày càng lớn giữa Pélleas và Mélisande. Đây là chương nhạc hạnh phúc nhất, mang nét tương phản rõ rệt với chương nối tiếp.

Cái Chết Của Mélisande – Sibelius đã viết nên một đoạn nhạc cảm động nhất về cái chết đau buồn của Mélisande – người phụ nữ cam chịu nỗi đau buồn và qua đời khi mất đi tình yêu đích thực của cuộc đời mình. Harriet Bosse – vợ của nhà biên kịch người Thụy Điển August Strindberg và là người từng thủ vai Mélisande – đã tâm sự rằng bà đã luôn xúc động đến mức bật khóc trong mỗi buổi biểu diễn khi diễn cảnh nằm trên giường hấp hối và lắng nghe dàn nhạc chơi chương nhạc này.

Ngoài tựa đề “Légende (Huyền thoại)”, tác phẩm tiếp theo dường như không có chung chủ đề với phần còn lại của chương trình. Chúng tôi nghĩ rằng đây sẽ là một dấu cộng thú vị cho buổi hòa nhạc khi mang đến một phần độc tấu violin tuyệt đẹp. Kiệt tác chưa được biết đến xứng tầm của Wieniawski là kết quả của tình yêu gian truân của nhà soạn nhạc dành cho một người phụ nữ. Wieniawski đã phải dành nhiều công sức thuyết phục cha mẹ của người phụ nữ đó, và ông đã thành công khi họ nghe Légende. Qúy vị khán giả chắc hẳn sẽ hiểu lý do khi lắng nghe tác phẩm tràn ngập những giai điệu quyến rũ, với điểm nhấn ở phần giữa với đầy đủ các dây đôi, dây ba và dây bốn (chơi nhiều dây cùng một lúc), tạo nên một giai điệu thực sự giàu cảm xúc.

“Dòng Danube Xanh” của Johann Strauss II nằm trong buổi hòa nhạc “Câu chuyện Thần thoại” đêm nay bởi lý do Danube chính là một dòng sông huyền thoại như vậy. Từng là biên giới của Đế chế La Mã, Danube là dòng sông dài thứ hai ở châu Âu, chỉ xếp sau sông Volga. Sông Danube đóng một vai trò quan trọng trong việc định cư và phát triển chính trị ở miền trung và đông nam châu Âu. Đây có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Johannn Strauss II, với năm đến sáu giai điệu walts kinh điển, trong đó, giai điệu waltz đầu tiên có lẽ là dễ nhận biết nhất. Khi con gái riêng của Strauss, Alice von Meyszner-Strauss, yêu cầu nhà soạn nhạc Johannes Brahms ký tặng người hâm mộ, ông đã viết ra những đoạn nhạc đầu tiên của “Dòng Danube Xanh”, nhưng thêm dòng chữ “Leider nicht von Johannes Brahms” (“Thật không may tác phẩm này không phải là của Johannes Brahms”).

Ngoài bản hòa tấu piano, tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc người Na Uy Edvard Grieg chắc chắn là bản nhạc ông tình cờ viết cho “Peer Gynt”, lấy cảm hứng từ vở kịch cùng tên năm 1867 của Henrik Ibsen. Phần lớn các giai điệu trong tác phẩm được vang lên trong rất nhiều bộ phim, phim hoạt hình và văn hóa đại chúng. Giống như nhà soạn nhạc Sibelius ở phần đầu chương trình, Grieg là một trong những cái tên tiêu biểu của âm nhạc Scandinavia. Grieg đã gặp nhiều khó khăn khi viết nhạc cho vở kịch, tuy nhiên, càng viết, ông càng nhận ra rằng mình là người phù hợp nhất với tác phẩm này và ‘phép thuật’ của câu chuyện. Peer Gynt của Ibsen khám phá và châm biếm văn hóa Na Uy thông qua việc khai thác nhân vật chính quyến rũ, kiêu ngạo, đó là một nông dân Na Uy bốc đồng bắt cóc một cô dâu trong đám cưới và sau đó bỏ rơi cô để đi khắp thế giới trong những cuộc phiêu lưu khác. Các chương nổi tiếng nhất bao gồm “Morning Mood” với giai điệu yên bình của sáo flute và oboe mô tả khung cảnh bình minh êm đềm; “Anitra’s Dance” – một điệu nhảy uyển chuyển của bộ dây; và “In the Hall of the Mountain King” với một chủ đề ngắn, bí ẩn được tăng tốc và lặp lại ngày một lớn hơn, dẫn đến cao trào hỗn loạn.

Như trong chương trình hòa nhạc thính phòng tháng 6 vừa qua, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời một lần nữa mang đến âm nhạc của nhà soạn nhạc người Pháp Jules Massenet. Chúng tôi khá chắc rằng hầu như rất ít trong số chúng ta đã từng nghe tác phẩm này của ông. Massenet là một nhà soạn nhạc tài ba với nhạc mục dành cho dàn nhạc, ballet và opera vô cùng xuất sắc, tuy nhiên số phận dường như định đoạt rằng âm nhạc của ông ít được biết đến hơn so với một số nghệ sĩ cùng thời. Do vậy, chúng tôi luôn hân hạnh được biểu diễn những tác phẩm thú vị và quyến rũ nhất của ông.

“Bacchus” là một vở opera gồm bốn màn của Jules Massenet với bản libretto tiếng Pháp của Catulle Mendès được dựa theo thần thoại Hy Lạp. Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà Hát Palais Garnier, Paris vào ngày 5 tháng 5 năm 1909. Massenet vừa hoàn thành “Thérèse” khi nhà xuất bản Heugel đề xuất phần tiếp theo của “Ariane” với Catulle Mendès. Lấy cảm hứng từ Ramayana – một trong hai sử thi của thần thoại Hindu – câu chuyện bắt đầu khi Ariane bị Thésée bỏ rơi, đã đi thuyền đến Phương Đông cùng Bacchus. Ở Nepal, Bacchus cố gắng khiến dân chúng chống lại Nữ hoàng Amahelli. Tuy nhiên, Nữ hoàng lại đem lòng yêu vị á thần và thúc giục Ariane hy sinh bản thân thay vì Bacchus. Với mục đích tạo thành một tổng thể liền mạch với Ariane, tác phẩm mới này có cốt truyện kỳ lạ. Massenet phàn nàn về những điều tối nghĩa trong bài thơ và qua những dòng thư từ, chúng ta có thể thấy sự hợp tác khá sóng gió của ông với người viết lời cho vở opera. “Công việc của tôi lần này không ngừng nghỉ và bền bỉ; Tôi đã đấu tranh, tôi đã từ chối, tôi đã bắt đầu lại” (Mes souvenirs). Nhà soạn nhạc thậm chí còn đi xa đến mức viết lại một phần libretto trước khi bắt đầu sáng tác vào năm 1907 tại Saint-Aubin. Bản nhạc cho dàn nhạc được hoàn thành vào tháng 5 năm 1908, dành cho Paris Opéra dưới sự chỉ đạo mới của Messager và Broussan. “Bacchus” chỉ bắt đầu được diễn tập khi Catulle Mendès sắp qua đời. Massenet nhận ra rằng số phận của vở opera đã bị định đoạt. Bất chấp sự dàn dựng xa hoa và dàn diễn viên xuất sắc, quy tụ Lucien Muratore (Bacchus), Lucienne Bréval (Ariane) và Lucy Arbell (Amahelli), Bacchus lại là một thất bại thảm hại tại buổi ra mắt Paris Opéra. Số phận bất hạnh này vẫn không thay đổi và tác phẩm chưa bao giờ được hồi sinh hay ghi lại toàn bộ. Trong số 25 vở opera của Massenet, đây rất có thể là vở ít được biết đến nhất, tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng quý vị sẽ rất thích thú với âm nhạc của dàn nhạc lấy từ vở opera.

Đêm hòa nhạc khép lại một cách thú vị với một nhân vật huyền thoại khác – William Tell. Khúc fanfare trong William Tell Overture của Rossini luôn được nhận ra ngay lập tức, và đã trở thành bất tử qua vô số phim ảnh, hoạt hình, quảng cáo, truyền hình v.v… Tell là một anh hùng dân gian của Thụy Sĩ, bảy trăm năm trước, Tell đã bắn một mũi tên xuyên qua quả táo trên đầu con trai mình và phát động cuộc đấu tranh giành độc lập cho Thụy Sĩ. Giai điệu kèn trumpet nổi tiếng ở phần đầu báo trước cuộc phi nước đại tiếp theo của dàn nhạc. Qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ mang lại niềm vui cho quý vị khán giả trong đêm nhạc tôn vinh những huyền thoại và truyền thuyết bằng những nhạc mục dành cho dàn nhạc tuyệt vời nhất.

Đến buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Chuẩn bị cho buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm
Tại buổi hòa nhạc | Tìm hiểu thêm

Cách thức mua vé



Chức năng này sẽ được cập nhật trong thời gian sớm nhất.
Chân thành cám ơn quý vị.